Khái niệm về tài sản cố định? Cách phân loại tài sản cố định

Kế toán thường xuyên phải thực hiện các hạch toán kế toán liên quan đến tài sản cố định. Vậy tài sản cố định là gì và cách phân loại tài sản như thế nào?

1. Khái niệm tài sản cố định


Tài sản cố định là một tư liệu lao động chuyên dùng trong sản xuất kinh doanh có giá trị lớn và tham gia nhiều chu kỳ sản xuất (1 chu kỳ là 12 tháng). 

Hiện nay, trong các quy định pháp luật không có khái niệm chung về tài sản cố định nhưng để được xác định là tài sản cố định thì tài sản phải có thời gian sử dụng trên 01 năm và có giá trị từ 30 triệu đồng trở lên...
 
 

2. Phân loại tài sản cố định của doanh nghiệp

 
Phân loại tài sản cố định (TSCĐ) là việc phân chia toàn bộ TSCĐ trong doanh nghiệp theo những tiêu thức nhất định nhằm phục vụ cho yêu cầu quản lý của doanh nghiệp. Phân loại TSCĐ giúp doanh nghiệp áp dụng các phương pháp thích hợp trong quản trị từng loại TSCĐ, từ đó nâng cao hiệu quả quản trị TSCĐ. Có nhiều cách khác nhau để phân loại TSCĐ dựa vào các chỉ tiêu khác nhau. 
 

2.1. Phân loại theo hình thái biểu hiện


Theo tiêu thức phân loại này, TSCĐ của doanh nghiệp được chia thành 2 loại:
  • TSCĐ hữu hình là những tài sản được biểu hiện bằng những hình thái hiện vật cụ thể như nhà cửa, máy móc thiết bị...
  • TSCĐ vô hình: là những TSCĐ không có hình thái vật chất, thể hiện 1 lượng giá trị đã được đầu tư có liên quan trực tiếp đến nhiều chu kỳ sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp như chi phí thành lập doanh nghiệp, chi phí đầu tư và phát triển, bằng sáng chế phát minh, nhãn hiệu thương mại…
Cách phân loại này giúp cho người quản lý thấy được cơ cấu đầu tư của doanh nghiệp vào TSCĐ hữu hình và vô hình, từ đó lựa chọn các quyết định đầu tư đúng đắn hoặc điều chỉnh cơ cấu đầu tư sao cho phù hợp và có hiệu quả nhất.
 

2.2. Phân loại theo công dụng kinh tế


Theo tiêu thức phân loại này, TSCĐ của doanh nghiệp được chia thành 2 loại:
 
  • TSCĐ dùng trong sản xuất kinh doanh là những TSCĐ hữu hình và vô hình trực tiếp tham gia vào quá trình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Bao gồm: nhà cửa, vật kiến trúc, thiết bị truyền dẫn, máy móc thiết bị sản xuất, phương tiện vận tải; những TSCĐ không có hình thái vật chất khác…
  • TSCĐ dùng ngoài sản xuất kinh doanh: là những TSCĐ dùng cho phúc lợi công cộng, không mang tính chất sản xuất kinh doanh. Bao gồm: nhà cửa, phương tiện dùng cho sinh hoạt văn hóa, thể dục thể thao, nhà ở và các công trình phúc lợi tập thể…
Cách phân loại này giúp cho người quản lý thấy rõ kết cấu TSCĐ và vai trò, tác dụng của TSCĐ trong quá trình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi cho việc quản lý, sử dụng TSCĐ và tính toán khấu hao chính xác.
 

2.3. Phân loại theo tình hình sử dụng

 
Theo tiêu thức phân loại này, TSCĐ của doanh nghiệp được chia thành 3 loại:
 
  • TSCĐ đang sử dụng là những TSCĐ đang sử dụng cho các hoạt động sản xuất kinh doanh hay các hoạt động khác của doanh nghiệp như hoạt động phúc lợi, sự nghiệp, an ninh quốc phòng.
  • TSCĐ chưa cần dùng là những TSCĐ cần thiết cho hoạt động sản xuất kinh doanh hay các hoạt động khác của doanh nghiệp, song hiện tại chưa cần dùng, đang được dự trữ để sử dụng sau này.
  • TSCĐ không cần dùng và chờ thanh lý là những TSCĐ không cần thiết hay không phù hợp với nhiệm vụ sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, cần được thanh lý, nhượng bán để thu hồi vốn đầu tư đã bỏ ra ban đầu.
Cách phân loại này giúp cho người quản lý thấy mức độ sử dụng có hiệu quả các TSCĐ của doanh nghiệp như thế nào, từ đó có biện pháp nâng cao hơn nữa hiệu quả sử dụng của chúng.
 

2.4. Phân loại theo mục đích sử dụng

 
Theo tiêu thức phân loại này, TSCĐ của doanh nghiệp được chia thành 3 loại sau đây:
 
  • TSCĐ dùng cho mục đích kinh doanh: là những TSCĐ vô hình hay TSCĐ hữu hình trực tiếp tham gia vào quá trình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp gồm: quyền sử dụng đất, chi phí thành lập doanh nghiệp, vị trí cửa hàng, nhãn hiệu sản phẩm,… nhà cửa, vật kiến trúc, máy móc, thiết bị phương tiện vận tải, thiết bị truyền dẫn, thiết bị, dụng cụ quản lý, vườn cây lâu năm, súc vật làm việc và (hoặc) cho sản phẩm, các loại TSCĐ khác chưa liệt kê vào 5 loại trên như tranh ảnh, tác phẩm nghệ thuật…
  • TSCĐ dùng cho mục đích phúc lợi, sự nghiệp, an ninh, quốc phòng.
  • TSCĐ bảo quản hộ, cất giữ cho nhà nước, cho các doanh nghiệp khác.
Cách phân loại này giúp cho người quản lý thấy được cơ cấu TSCĐ theo mục đích sử dụng của nó, từ đó có biện pháp quản lý TSCĐ theo mục đích sử dụng sao cho có hiệu quả nhất.
 

2.5. Phân loại theo quyền sở hữu


Căn cứ vào tình hình sở hữu có thể chia TSCĐ thành 2 loại:
 
  • TSCĐ tự có: TSCĐ là những TSCĐ thuộc quyền sở hữu của chủ doanh nghiệp.
  • TSCĐ đi thuê: TSCĐ là những TSCĐ thuộc quyền sở hữu của doanh nghiệp khác bao gồm:
- TSCĐ thuê hoạt động là những TSCĐ doanh nghiệp thuê về sử dụng trong 1 thời gian nhất định theo hợp đồng, khi kết thúc hợp đồng TSCĐ phải được trả lại bên cho thuê. Đối với loại TSCĐ này, doanh nghiệp không tiến hành trích khấu hao, chi phí thuê TSCĐ được hạch toán vào chi phí sản xuất kinh doanh trong kỳ.

- TSCĐ thuê tài chính là những TSCĐ doanh nghiệp thuê công ty tài chính, nếu hợp đồng thuê thỏa mãn ít nhất 1 trong 4 điều kiện sau đây:

+ Khi kết thúc thời hạn cho thuê hợp đồng, bên thuê được quyền sở hữu tài sản thuê hoặc được tiếp tục thuê theo sự thỏa thuận của 2 bên.

+ Khi kết thúc thời hạn thuê, bên thuê được quyền lựa chọn mua tài sản thuê theo giá danh nghĩa thấp hơn giá trị thực tế của tài sản tại thời điểm mua lại.
 
+ Thời hạn cho thuê tài sản ít nhất phải bằng 60% thời gian cần thiết để khấu hao tài sản thuê.

+ Tổng số tiền thuê tài sản ít nhất phải tương đương với giá của tài sản đó trên thị trường vào thời điểm ký hợp đồng.
Đối với loại TSCĐ này, doanh nghiệp phải tiến hành theo dõi, quản lý, sử dụng và trích khấu hao như đối với TSCĐ thuộc sở hữu của doanh nghiệp.

Cách phân loại này giúp cho người quản lý thấy kết cấu TSCĐ thuộc quyền sở hữu của doanh nghiệp và TSCĐ thuộc sở hữu của người khác mà khai thác, sử dụng hợp lý TSCĐ của doanh nghiệp, nâng cao hiệu quả đồng vốn.
 

2.6. Phân loại theo nguồn hình thành


Căn cứ vào nguồn hình thành có thể chia TSCĐ trong doanh nghiệp thành 2 loại:
  • TSCĐ hình thành từ nguồn vốn chủ sở hữu
  • TSCĐ hình thành từ các khoản nợ phải trả
Cách phân loại này giúp người quản lý thấy được TSCĐ của doanh nghiệp được hình thành từ nguồn nào, từ đó có biện pháp theo dõi, quản lý và sử dụng TSCĐ sao cho có hiệu quả nhất.
 
Trên đây là khái niệm tài sản cố định và cách phân loại, kế toán các doanh nghiệp cần lưu ý để tránh các sai sót trong quá trình quản lý, sử dụng và trích khấu hao tài sản cố định.
 
 

information contact

Địa chỉ: Số 15, Ngõ 251 Kim Mã, Ba Đình, Hà Nội

Điện Thoại: 0962.730.706

Email: ketoana-one@gmail.com

Website: dksoft.com.vn

Consultation Support

Choose service:

FullName:

Email:

Phone:

Content:

mã bảo mật

0962 730 706