Những công việc mà kế toán Thuế phải làm
Những công việc mà kế toán Thuế phải làm trong doanh nghiệp
Để bao quát được đầy đủ và khoa học các công việc cần làm của một kế toán thuế trong doanh nghiệp, chúng ta xem xét các công việc theo trình tự thời gian.
Theo trình tự thời gian, ta sẽ có 4 thời điểm đó là: Hàng ngày, hàng tháng, hàng quý và hàng năm.
I. Hàng ngày
Công việc hàng ngày của kế toán thuế chính là: Thu thập, Xử lý, Sắp xếp và Lưu trữ các chứng từ kế toán.
1. Thu thập:
- Là tập hợp toàn bộ chứng từ kế toán phát sinh trong quá trình doanh nghiệp đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh.
- Kế toán sẽ phải thu thập ở 2 nguồn: trong và ngoài doanh nghiệp để tập hợp đủ chứng từ đầu vào và chứng từ đầu ra của doanh nghiệp.
2. Xử lý:
- Là việc kiểm tra, phân tích về tính hợp pháp, hợp lệ và hợp lý của chứng từ kế toán
3. Sắp xếp:
- Sau khi hoá đơn chứng từ kế toán được thu thập và xử lý, chúng ta sẽ tiến hành sắp xếp.
- Việc sắp xếp có nhiều cách khác nhau, theo cách nào là tuỳ lựa chọn của doanh nghiệp, nhưng đều phải đảm bảo sắp xếp có hệ thống, theo trình tự thời gian và có thể so sánh được.
4. Lưu trữ:
- Đối với các chứng từ kế toán không làm căn cứ kê khai tính thuế, hạch toán ghi sổ kế toán: lưu trữ tối thiểu trong vòng 05 năm.
VD: Hợp đồng kinh tế, đơn đặt hàng, Báo giá,…
- Đối với các chứng từ kế toán làm căn cứ kê khai tính thuế, hạch toán ghi sổ kế toán: lưu trữ tối thiểu trong vòng 10 năm.
VD: Hoá đơn, phiếu nhập kho, xuất kho, phiếu thu, phiếu chi,…
- Đối với các chứng từ kế toán có liên quan đến An ninh Quốc phòng lưu trữ tối thiểu trong vòng 20 năm.
Để có thể làm tốt và hiệu quả công việc kế toán thì đương nhiên hiểu biết, kiến thức về các quy định liên quan đến kế toán, thuế phải được kế toán thuế nắm chắc và cập nhật liên tục, hàng ngày.
II. Hàng tháng
Từ các hoán đơn, chứng từ kế toán đã thu thập, xử lý hàng ngày, hàng tháng doanh nghiệp phải thực hiện lập và nộp các tờ khai, báo cáo thuế sau:
1. Tờ khai thuế GTGT:
Nếu doanh nghiệp có tổng Doanh thu năm trước liền kề trên 50 tỷ đồng.
2. Tờ khai thuế TNCN:
Nếu doang nghiệp kê khai thuế GTGT theo tháng đồng thời có tổng số thuế TNCN phải khấu trừ từ 50 triệu đồng trở lên.
3. Báo cáo tình hình sử dụng hoá đơn:
Nếu doanh nghiệp có rủi ro cao về thuế đó là:
- Doanh nghiệp sau khi được Cơ quan thuế kiểm tra và đưa ra kết luận được thành lập với mục đích mua bán hoá đơn.
- Doanh nghiệp nợ tiền thuế nhiều.
4. Hạn nộp tờ khai, báo cáo thuế hàng tháng:
Chậm nhất là ngày 20 của tháng sau liền kề.
VD: Nộp tờ khai thuế GTGT tháng 6/2019 => Hạn nộp tờ khai là ngày 20/07/2019
III. Hàng quý
Giống như công việc hàng tháng ở trên, hàng quý doanh nghiệp cũng cần lập và nộp các tờ khai thuế, báo cáo thuế, đó là:
1. Tờ khai thuế GTGT:
Áp dụng cho:
- Doanh nghiệp mới thành lập
- Doanh nghiệp có tổng doanh thu năm trước liền kề từ 50 tỷ trở xuống.
2. Tờ khai thuế TNCN:
Áp dụng cho:
- Doanh nghiệp kê khai thuế GTGT theo Quý
- Doanh nghiệp kê khai thuế GTGT theo Tháng đồng thời có tổng số thuế TNCN phải khấu trừ dưới 50tr.
3. Báo cáo tình hình sử dụng hoá đơn:
Nếu doanh nghiệp không có rủi ro về thuế, bao gồm: doanh nghiệp mới thành lập và doanh nghiệp đã và đang hoạt động.
4. Hạn nộp tờ khai, báo cáo thuế hàng tháng:
Chậm nhất là ngày 30 của tháng đầu tiên thuộc quý sau liền kề.
VD: Tờ khai thuế TNCN quý II/2019 => Hạn nộp tờ khai là 30/07/2019.
IV. Hàng năm
1. Đầu năm:
Nộp tiền Thuế môn bài theo mức quy định, chậm nhất là ngày 30/01 của năm tài chính.
2. Cuối năm:
Nộp các tờ khai, báo cáo thuế, bao gồm:
- Tờ khai Quyết toán thuế TNDN
- Tờ khai Quyết toán thuế TNCN
- Báo cáo tài chính
- Hạn nộp: Chậm nhất là ngày thứ 90 kể từ ngày kết thúc năm tài chính cũ.
VD: Hạn nộp báo cáo tài chính năm 2018 là ngày 31/3/2019.