Một số trường hợp giải quyết cụ thể liên quan đến mất và thất lạc BHXH
Bảo hiểm xã hội (BHXH) đã và đang là mối quan tâm của nhiều đối tượng. Để không bị mất quyền lợi và giải quyết các vấn đề liên quan đến BHXH dưới đây là một số trường hợp cần lưu ý mà người lao động cần biết khi mình bị mất và thất lạc BHXH.
Trường hợp 1: Mất sổ BHXH thì phải làm sao?
Nếu không may người lao động mất sổ BHXH thì người lao động cần phải chủ động xin cấp lại sổ BHXH. Dưới đây là thủ tục xin cấp lại sổ BHXH:
+ Thành phần hồ sơ: Tờ khai tham gia, điều chỉnh thông tin BHXH,BHYT (Mẫu TK1-TS) và Đơn đề nghị cấp lại sổ bảo hiểm xã hội của người lao động (Căn cứ vào Điểm a Khoản 2 Điều 97 Luật BHXH 2014; Khoản 1 Điều 27 Quyết định 595/QĐ-BHXH ngày 14/4/2017).
+ Người lao động nộp hồ sơ cho cơ quan BHXH (Căn cứ vào Khoản 2 Điều 99 Luật BHXH 2014; Điểm c, Mục 1.1 Khoản 1 Điều 31 Quyết định 595/QĐ-BHXH).
+ Thời gian cấp lại sổ BHXH không quá 10 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định. Trường hợp cần phải xác minh quá trình đóng BHXH ở tỉnh khác hoặc nhiều đơn vị nơi người lao động có thời gian làm việc thì không quá 45 ngày nhưng phải có văn bản thông báo cho người lao động biết (căn cứ vào Khoản 2 Điều 29 Quyết định 595/QĐ-BHXH).
Trường hợp 2: Trường hợp mất hồ sơ gốc BHXH thì sao?
Trường hợp khi cấp sổ BHXH hoặc khi giải quyết chế độ hưu trí, tử tuất đối với người lao động chưa được cấp sổ bảo hiểm xã hội mà không còn hồ sơ gốc thì phải có văn bản của cơ quan chủ quản giải trình lý do mất, đồng thời xác nhận về quá trình tham gia BHXH và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về những thông tin được xác nhận đó, kèm theo các giấy tờ có liên quan đến thời gian làm việc, tính chất công việc, tiền lương, tiền công (nếu có).
Trường hợp 3: Nếu công ty cũ giữ sổ bảo hiểm xã hội thì phải làm sao?
Khi chấm dứt hợp đồng lao động, người lao động lưu ý cần chờ công ty làm thủ tục chốt, trả sổ BHXH cho người lao động và khi người lao động đi làm chỗ mới cần lưu ý nộp lại sổ BHXH để tiếp tục tham gia BHXH. Trường hợp công ty cũ giữ sổ BHXH cần đến nói rõ ràng với công ty và lấy lại sổ.
Trường hợp không rõ công ty nào đang cầm sổ do đi làm tại quá nhiều công ty hay do người lao động quên không biết chỗ nào đang giữ sổ BHXH của mình cần đến cơ quan BHXH ở địa phương để khai báo về nhân thân của mình bao gồm: ngày, tháng, năm sinh, số CMND, những nơi đã làm việc và có tham gia BHXH và đề nghị BHXH xác nhận quá trình đã tham gia BHXH hoặc số sổ BHXH cho bạn hoặc đề nghị cấp sổ BHXH mới. Sau đó, người lao động nộp cho Công ty mới để được tham gia BHXH.
Quy định về trường hợp người lao động trong trường hợp không được trả sổ BHXH
Điều 15 Luật Bảo hiểm xã hội quy định; Người lao động được cấp sổ bảo hiểm xã hội; được nhận sổ BHXH khi không còn làm việc.
Điều 18 Luật Bảo hiểm xã hội quy định: Người lao động có trách nhiệm: Bảo quản sổ bảo hiểm xã hội của người lao động trong thời gian người lao động làm việc; Trả sổ bảo hiểm xã hội cho người lao động khi người đó không còn làm việc.
Điều 130 Luật Bảo hiểm xã hội quy định: Người lao động, người đang hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng, người đang bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội và những người khác có quyền khiếu nại quyết định, hành vi của người sử dụng lao động, tổ chức bảo hiểm xã hội khi có căn cứ cho rằng quyết định, hành vi đó vi phạm pháp luật về bảo hiểm xã hội, xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của mình.
Trường hợp công ty không trả lại sổ cho người lao động thì Người sử dụng lao động đã vi phạm Pháp luật Bảo hiểm xã hội làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động, người lao động có quyền khiếu nại theo quy định tạo Điều 130 Luật Bảo hiểm xã hội nêu trên và việc giải quyết khiếu nại được quy định tại Điều 131 Luật BHXH dưới đây:
Điều 131. Thẩm quyền, trình tự thủ tục giải quyết khiếu nại
1. Việc giải quyết khiếu nại đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính về bảo hiểm xã hội được thực hiện theo quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo.
2. Việc giải quyết khiếu nại đối với quyết định, hành vi về bảo hiểm xã hội không thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này được thực hiện như sau:
a) Người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần đầu về bảo hiểm xã hội là người có quyết định, hành vi về bảo hiểm xã hội bị khiếu nại.
Trong trường hợp người có quyết định, hành vi về bảo hiểm xã hội bị khiếu nại không còn tồn tại thì cơ quan quản lý nhà nước về lao động cấp huyện có thẩm quyền giải quyết;
b) Trong trường hợp người khiếu nại không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu hoặc quá thời hạn quy định mà khiếu nại không được giải quyết thì có quyền khởi kiện tại Toà án hoặc khiếu nại đến cơ quan quản lý nhà nước về lao động cấp tỉnh;
c) Trong trường hợp người khiếu nại không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại của cơ quan quản lý nhà nước về lao động cấp tỉnh hoặc quá thời hạn quy định mà khiếu nại không được giải quyết thì có quyền khởi kiện tại Toà án;
d) Thời hiệu khiếu nại, thời hạn giải quyết khiếu nại được áp dụng theo quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo.