Thủ tục tiêu hủy hàng hóa hết hạn sử dụng đối với doanh nghiệp kinh doanh dược phẩm, thực phẩm, hóa mỹ phẩm...
Trong quá trình sản xuất, kinh doanh, đặc biệt đối với các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh dược phẩm, thực phẩm, hóa mỹ phẩm...thì hàng hóa quá hạn, hết hạn sử dụng là điều không thể tránh khỏi. Vậy để tiêu hủy các hàng hóa đã hết hạn này, các doanh nghiệp cần thực hiện các thủ tục gì?
1. Thủ tục cần làm với cơ quan thuế
Theo quy đinh tại thông tư 78/2014/TT-BTC, thông tư 95/2016/TT-BTC huớng dẫn chi tiết Luật thuế thu nhập doanh nghiệp thì hàng hóa bị hư hỏng do thay đổi quá trình sinh hóa tự nhiên, hàng hóa hết hạn sử dụng, không được bồi thường thì được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế.
Hồ sơ đối với hàng hóa bị hư hỏng do thay đổi quá trình sinh hóa tự nhiên, hàng hóa hết hạn sử dụng, được tính vào chi phí được trừ như sau:
- Biên bản kiểm kê giá trị hàng hóa bị hư hỏng do doanh nghiệp lập.
Biên bản kiểm kê giá trị hàng hóa hư hỏng phải xác định rõ giá trị hàng hóa bị hư hỏng, nguyên nhân hư hỏng; chủng loại, số lượng, giá trị hàng hóa có thể thu hồi được (nếu có) kèm theo bảng kê xuất nhập tồn hàng hóa bị hư hỏng có xác nhận do đại diện hợp pháp của doanh nghiệp ký và chịu trách nhiệm trước pháp luật.
- Hồ sơ bồi thường thiệt hại được cơ quan bảo hiểm chấp nhận bồi thường (nếu có).
- Hồ sơ quy định trách nhiệm của tổ chức, cá nhân phải bồi thường (nếu có).
Hồ sơ nêu trên được lưu tại doanh nghiệp và xuất trình với cơ quan thuế khi cơ quan thuế yêu cầu.
2. Thủ tục với sở y tế
Hiện tại pháp luật chưa có quy định cụ thể về thủ tục hủy thuốc do quá hạn sử dụng, vì vậy sẽ áp dụng tương tự khoản 6 điều 15 thông tư 11/2018/TT-BYT về quy trình hủy thuốc hết hạn sử dụng như sau:
- Người đứng đầu cơ sở có thuốc bị tiêu hủy ra quyết định thành lập Hội đồng hủy thuốc. Hội đồng có ít nhất là 03 người, trong đó phải có 1 đại diện là người chịu trách nhiệm chuyên môn
- Việc hủy thuốc phải bảo đảm an toàn cho người, súc vật và tránh ô nhiễm môi trường theo các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường
- Cơ sở hủy thuốc phải báo cáo kèm theo biên bản hủy thuốc tới Sở Y tế theo quy định tại Mẫu số 06 Phụ lục III ban hành kèm theo Thông tư này.
3. Thủ tục hủy hàng tồn kho
Đề nghị hủy hàng tồn kho đã hết hạn sử dụng: số lượng, tên hàng, ngày nhập, ngày hết hạn sử dụng.
- Biên bản kiểm tra hàng tồn kho đã hết hạn sử dụng.
- Quyết định cho phép hủy hàng tồn kho đã hết hạn sử dụng của lãnh đạo Công ty.
- Biên bản hủy hàng tồn kho có chữ ký của những người chứng kiến và của lãnh đạo Công ty. (Người chứng kiến nên là đại diện của Chi cục thuế)
Nhưng nếu việc hủy hàng hóa này có gây ảnh hưởng đến môi trường thì cần phải có giấy phép/ giấy xác nhận cách thức hủy hàng hóa của cơ quan chức năng.
Đồng thời với việc tiêu hủy hàng hóa hết hạn sử dụng, kế toán cần thực hiện trích lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho như sau (Tham khảo thêm tại Thông tư 228/2009/TT-BTC ngày 07 tháng 12 năm 2009 về trích lập và sử dụng các khoản dự phòng giảm giá hàng tồn kho)
Điều 4. Dự phòng giảm giá hàng tồn kho.
Xử lý hủy bỏ đối với vật tư, hàng hóa đã trích lập dự phòng:
a) Hàng tồn đọng do hết hạn sử dụng, mất phẩm chất, dịch bệnh, hư hỏng, do không còn giá trị sử dụng như: dược phẩm, thực phẩm, vật tư y tế, con giống, vật nuôi, vật tư hàng hóa khác phải hủy bỏ thì xử lý như sau:
Doanh nghiệp lập Hội đồng xử lý tài sản để thẩm định tài sản bị hủy bỏ. Biên bản thẩm định phải kê chi tiết tên, số lượng, giá trị hàng hóa phải hủy bỏ, nguyên nhân phải hủy bỏ, giá trị thu hồi được do bán thanh lý, giá trị thiệt hại thực tế.
Mức độ tổn thất thực tế của từng loại hàng tồn đọng không thu hồi được là khoản chênh lệch giữa giá trị ghi trên sổ kế toán trừ đi giá trị thu hồi do thanh lý (do người gây thiệt hại đền bù, do bán thanh lý hàng hóa).
b) Thẩm quyền xử lý: Hội đồng quản trị (đối với doanh nghiệp có Hội đồng quản trị) hoặc Hội đồng thành viên (đối với doanh nghiệp có Hội đồng thành viên); Tổng giám đốc (hoặc Giám đốc) đối với doanh nghiệp không có Hội đồng quản trị, Hội đồng thành viên; chủ doanh nghiệp căn cứ vào Biên bản của Hội đồng xử lý, các bằng chứng liên quan đến hàng hóa tồn đọng để quyết định xử lý hủy bỏ vật tư, hàng hóa nói trên; quyết định xử lý trách nhiệm của những người liên quan đến số vật tư, hàng hóa đó và chịu trách nhiệm về quyết định của mình trước chủ sở hữu và trước pháp luật.
c) Xử lý hạch toán:
Giá trị tổn thất thực tế của hàng tồn đọng không thu hồi được đã có quyết định xử lý hủy bỏ, sau khi bù đắp bằng nguồn dự phòng giảm giá hàng tồn kho, phần chênh lệch thiếu được hạch toán vào giá vốn hàng bán của doanh nghiệp.