Sửa đổi, bổ sung 3 nội dung quan trọng về thuế
Thuế giá trị gia tăng (GTGT) là một loại thuế gián thu tính trên khoản giá trị tăng thêm của hàng hóa, dịch vụ phát sinh trong quá trình từ sản xuất, lưu thông đến tiêu dùng.
Ở Việt Nam, thuế GTGT được thực hiện từ ngày 01/01/1999, đến nay, do yêu cầu phát triển và hội nhập quốc tế pháp luật về thuế GTGT đã nhiều lần được Quốc hội xem xét sửa đổi, bổ sung. Đồng thời, Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế cũng đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn thực hiện. Liên quan đến loại thuế này, các doanh nghiệp cần nắm rõ 3 nội dung quan trọng vừa được sửa đổi, bổ sung.
Theo quy định hiện hành, đối tượng chịu thuế GTGT là hàng hóa, dịch vụ dùng cho sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng ở Việt Nam. Đối tượng nộp thuế GTGT là tất cả các tổ chức, cá nhân có hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ chịu thuế GTGT ở Việt Nam và các tổ chức, cá nhân khác có nhập khẩu hàng hóa chịu thuế GTGT.
Liên quan đến thuế GTGT, trong năm 2018, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 25/2018/TT-BTC hướng dẫn thi hành Nghị định số 146/2017/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung các nghị định quy định chi tiết thi hành Luật thuế GTGT và thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN).
Thêm đối tượng thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT
Theo đó, Thông tư số 25/2018/TT-BTC của Bộ Tài chính đã sửa đổi quy định sản phẩm xuất khẩu được chế biến từ tài nguyên, khoáng sản thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT.
Cụ thể, để thống nhất cách hiểu và tạo thuận lợi cho doanh nghiệp xuất khẩu, Nghị định số 146/2017/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số trường hợp không thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT và được áp dụng thuế GTGT 0% khi xuất. Đối tượng không chịu thuế là: sản phẩm xuất khẩu là tài nguyên, khoáng sản khai thác chưa chế biến thành sản phẩm khác; sản phẩm xuất khẩu là hàng hóa được chế biến trực tiếp từ nguyên liệu chính là tài nguyên, khoáng sản có tổng trị giá tài nguyên, khoáng sản cộng với chi phí năng lượng chiếm từ 51% giá thành sản xuất sản phẩm trở lên.
Riêng các sản phẩm xuất khẩu được chế biến từ tài nguyên, khoáng sản do cơ sở kinh doanh trực tiếp khai thác và chế biến hoặc thuê cơ sở khác chế biến mà trong quy trình chế biến đã thành sản phẩm khác sau đó lại tiếp tục chế biến ra sản phẩm xuất khẩu và sản phẩm xuất khẩu được chế biến từ nguyên liệu chính không phải là tài nguyên, khoáng sản (tài nguyên, khoáng sản đã chế biến thành sản phẩm khác) do cơ sở kinh doanh mua về chế biến hoặc thuê cơ sở khác chế biến thành sản phẩm xuất khẩu thì các sản phẩm xuất khẩu này thuộc đối tượng áp dụng thuế suất thuế GTGT 0% nếu đáp ứng được các điều kiện theo quy định tại điểm c, khoản 2, Điều 12 Luật số 13/2008/QH12.
Hoàn thuế GTGT đối với hàng nhập khẩu sau đó xuất khẩu
Thông tư số 25/2018/TT-BTC cũng đã sửa đổi quy định về hoàn thuế GTGT đối với hàng nhập khẩu sau đó xuất khẩu.
Theo đó, hàng hóa nhập khẩu sau đó xuất bán vào khu phi thuế quan; hàng hóa nhập khẩu sau đó xuất khẩu ra nước ngoài hoặc xuất trả lại chủ hàng thì thuộc đối tượng được hoàn thuế GTGT. Trường hợp hàng hóa nhập khẩu sau đó xuất khẩu không thực hiện xuất khẩu tại địa bàn hoạt động hải quan theo quy định của Luật Hải quan và các văn bản hướng dẫn thì không được hoàn thuế GTGT.
Bổ sung quy định khống chế mức chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN
Thông tư số 25/2018/TT-BTC bổ sung quy định khống chế mức chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN đối với khoản chi mua bảo hiểm nhân thọ cho người lao động.
Theo đó, để đảm bảo chính sách được thống nhất, minh bạch, Nghị định số 146/2017/NĐ-CP của Chính phủ đã bổ sung: Khống chế khoản chi phí mua bảo hiểm nhân thọ cho người lao động như đối với trường hợp doanh nghiệp mua bảo hiểm hưu trí tự nguyện cho người lao động, đồng thời nâng mức khống chế chi phí đóng quỹ bảo hiểm hưu trí, mua bảo hiểm hưu trí tự nguyện, mua bảo hiểm nhân thọ từ mức 01 triệu đồng/tháng/người lên mức 03 triệu đồng/tháng/người.